Trang chủ > Nhân quyền > Hỗ trợ học nghề ở Trung tâm Chữa bệnh – Giáo dục – Lao động xã hội

Hỗ trợ học nghề ở Trung tâm Chữa bệnh – Giáo dục – Lao động xã hội

Tháng Tám 12, 2013

(Chinhphu.vn) – Người bị áp dụng biện pháp đưa vào Trung tâm Chữa bệnh – Giáo dục – Lao động xã hội, nếu chưa qua đào tạo nghề, có nhu cầu học nghề được hỗ trợ kinh phí học nghề trình độ sơ cấp nghề mức tối đa 2.000.000 đồng/người/khóa học.

Hỗ trợ kinh phí học nghề cho người bị áp dụng biện pháp đưa vào trung tâm – Ảnh minh họa

Đây là một nội dung của Thông tư liên tịch 27/2012/TTLT-BTC-BLĐTBXH do Bộ Tài chính và Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội quy định quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện chế độ áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh, chế độ đóng góp và miễn, giảm, hỗ trợ đối với đối tượng trong cơ sở chữa bệnh và tổ chức cai nghiện ma tuý tại gia đình và cộng đồng.

Thông tư quy cụ thể chế độ miễn, giảm đối với người bị áp dụng biện pháp đưa vào Trung tâm Chữa bệnh – Giáo dục – Lao động xã hội (gọi tắt là Trung tâm).

Theo đó, miễn đóng góp tiền ăn trong thời gian chấp hành quyết định đối với các trường hợp sau đây: Người thuộc hộ nghèo, gia đình chính sách; Người chưa thành niên; Người bị nhiễm HIV/AIDS; Người không có nơi cư trú nhất định.

Ngoài ra, giảm 50% mức đóng góp tiền ăn trong thời gian chấp hành quyết định đối với người thuộc hộ cận nghèo.

Về chế độ hỗ trợ, người bị áp dụng biện pháp đưa vào Trung tâm (kể cả người chưa thành niên) và người không có nơi cư trú nhất định vào lưu trú tạm thời tại Trung tâm được hỗ trợ tiền ăn, tiền điều trị, mua sắm vật dụng sinh hoạt cá nhân cần thiết…

Cụ thể, hỗ trợ một phần tiền ăn mức 15.000 đồng/người/ngày đối với người bị áp dụng biện pháp đưa vào Trung tâm trong thời gian chấp hành quyết định. Hỗ trợ toàn bộ tiền ăn mức 30.000 đồng/người/ngày đối với người thuộc hộ nghèo, gia đình chính sách, người chưa thành niên, người bị nhiễm HIV/AIDS, người không có nơi cư trú nhất định trong thời gian chấp hành quyết định.

Về tiền điều trị, đối với người nghiện ma tuý được hỗ trợ thuốc hỗ trợ cắt cơn, cấp cứu, chi phí xét nghiệm và thuốc điều trị các bệnh cơ hội khác với mức 650.000 đồng/người/lần chấp hành quyết định.

Hỗ trợ kinh phí học nghề, tìm việc làm

Người bị áp dụng biện pháp đưa vào Trung tâm, nếu chưa qua đào tạo nghề, có nhu cầu học nghề được hỗ trợ kinh phí học nghề trình độ sơ cấp nghề mức tối đa 2.000.000 đồng/người/khóa học. Mức hỗ trợ cụ thể theo từng nghề và thời gian học nghề thực tế; không hỗ trợ tiền học nghề cho những đối tượng bị áp dụng biện pháp đưa vào Trung tâm từ lần thứ hai trở đi.

Bên cạnh việc hỗ trợ học nghề, người bị áp dụng biện pháp đưa vào Trung tâm còn được hỗ trợ kinh phí tìm việc làm với điều kiện: Sau khi chấp hành xong quyết định tại Trung tâm trở về địa phương đã có nhiều tiến bộ, cam kết không tái phạm, chưa có việc làm; bản thân, gia đình thuộc diện hộ nghèo, gia đình chính sách. Căn cứ đơn đề nghị hỗ trợ kinh phí tìm việc làm của người chấp hành xong quyết định tại Trung tâm trở về địa phương, UBND cấp huyện quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh sẽ xem xét, trợ cấp một lần để tự tạo việc làm, ổn định đời sống mức 1.000.000 đồng/người.

Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 10/4/2012.

Thu Nga

Nguồn: baodientu.chinhphu.vn
Vkyno (st)

Chuyên mục:Nhân quyền