An sinh xã hội: Từ Nghị quyết đến thực thi

~ * ~

(Chinhphu.vn) – Để đạt được mục tiêu đặt ra đối với đảm bảo an sinh xã hội cho người dân, trong giai đoạn tới, Chính phủ cần chú trọng nhiều hơn nữa đến các hoạt động phối hợp thực hiện.

TS. Mai Ngọc Anh
Đại học Kinh tế Quốc dân

An sinh xã hội (ASXH) được biết đến là các biện pháp chính sách giúp người dân phòng ngừa, giảm thiểu và tránh khỏi rủi ro trong cuộc sống. Người dân có thể tham gia vào hệ thống ASXH dưới các hình thức đóng hưởng và không theo hình thức đóng hưởng.

Thời gian qua Đảng và Chính phủ đã triển khai rất nhiều hoạt động để hỗ trợ người dân tham gia vào các hình thức của an sinh.

Đối tượng thụ hưởng bảo trợ xã hội ngày càng rộng

Hệ thống bảo hiểm y tế đã giúp nhiều đối tượng chính sách có cơ hội chữa bệnh

Sau một thời kỳ có tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng, thì từ năm 2008, dưới tác động của khủng hoảng kinh tế thế giới, tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam suy giảm rõ rệt.

Đồng thời với đó, số lượng người thất nghiệp cũng ngày càng gia tăng. Thất nghiệp không còn là hiện tượng của thành thị. Tỷ lệ thất nghiệp của khu vực nông thôn tăng lên rất nhanh, từ hơn 1% năm 2000 lên đến hơn 2% năm 2009.

Thu nhập của người lao động, kể cả lao động khu vực công nghiệp, cũng như lao động khu vực nông nghiệp và khu vực phi chính thức còn thấp và không ổn định.

Việc tham gia vào hệ thống bảo hiểm y tế (BHYT) đã giúp hàng chục triệu người nghèo, người có công với nước, hàng chục ngàn người mắc bệnh hiểm nghèo có đủ tiền chữa bệnh với chi phí lớn.

Tỷ lệ bao phủ của BHYT đã tăng đáng kể, tuy nhiên khả năng BHYT bao phủ toàn bộ dân số vào năm 2014 là khó khả thi, bởi chưa có phương thức hợp lý để huy động sự tham gia của nông dân và người lao động khu vực phi chính thức.

Mặc dù số đối tượng thụ hưởng chính sách bảo trợ xã hội ngày càng mở rộng, nhưng chưa bao phủ hết các đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương trong xã hội cần trợ giúp, như: người có thu nhập thấp ở khu vực thành thị; một số nhóm đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn; hộ nông dân mất tư liệu sản xuất do đô thị hoá hoặc công nghiệp hoá…

Công tác cứu trợ đột xuất đã được triển khai tương đối kịp thời do có sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ. Đã huy động được phong trào tương thân, tương ái của mọi tầng lớp nhân dân, của các tổ chức quần chúng, các doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, nhờ đó đã đóng góp được một phần đáng kể cho những thiếu hụt từ ngân sách Nhà nước.

Phạm vi hỗ trợ còn hạn chế

Mở rộng phạm vi hỗ trợ sẽ đem lại điều kiện sống tốt hơn cho nhiều đối tượng

Tuy nhiên, phạm vi hỗ trợ mới tập trung chủ yếu cho đối tượng bị rủi ro do thiên tai, chưa bao gồm các đối tượng bị những rủi ro kinh tế và xã hội.

Cùng với thu nhập thấp là tình trạng giảm nghèo vẫn chưa bền vững. Theo chuẩn nghèo mới, năm 2010 tỷ lệ hộ nghèo tăng lên hơn 14%. Đặc biệt, những nhóm nghèo mới sẽ xuất hiện do những cú sốc tự nhiên (biến đổi khí hậu); kinh tế, nguồn lực (đất đai) hạn chế hoặc bị thu hẹp, mất việc làm tốt…

Để thực hiện phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo an sinh cho người dân trong năm 2013, ngày 7/1/2013 Chính phủ ban hành nghị quyết số01/NQ-CP với 9 giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2013, trong đó có giải pháp để đảm bảo ASXH, phúc lợi xã hội và cải thiện đời sống nhân dân.

Chính sách đem cơ hội tích cực cho người lao động

Theo tinh thần của Nghị quyết này, để đạt được ASXH, phúc lợi xã hội và cải thiện đời sống nhân dân, các Bộ, ban, ngành cần tập trung vào một số nội dung cơ bản về tăng cường tạo việc làm, đảm bảo thu nhập cho người lao động; thực hiện cải cách tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo đảm an toàn lao động; thực hiện tốt các chính sách đối với người nghèo, đối tượng chính sách; tăng cường công tác phát triển thanh niên, chăm sóc trẻ em, bảo đảm bình đẳng giới, chăm sóc và phát huy vai trò của người cao tuổi…

Chính sách ASXH đã góp phần đảm bảo đời sống, đem lại cơ hội tích cực cho người lao động

Những ưu tiên này không chỉ đem đến cho người lao động những cơ hội tích cực để có được việc làm mới, gia tăng thu nhập từ đó chủ động tham gia tích cực vào hệ thống ASXH theo nguyên tắc đóng hưởng, đồng thời còn giúp cả các đối tượng tham gia vào hệ thống ASXH không theo nguyên tắc đóng hưởng cũng nhận được những thành quả từ sự phát triển của hệ thống này.

Chính sách ASXH ở Việt Nam thời gian qua được thực hiện cùng với nhiều chính sách xã hội khác góp phần đảm bảo đời sống kinh tế – xã hội cho người dân Việt Nam trong điều kiện khủng hoảng kinh tế và lạm phát. Tuy nhiên, sự phối hợp này vẫn còn những hạn chế nhất định.

… song còn thiếu đồng bộ trong phối hợp chính sách

Đó là sự thiếu đồng bộ trong phối hợp với chính sách tiền lương và thu nhập; sự phối hợp ASXH với chính sách giảm nghèo cũng chưa chặt chẽ. Các chính sách hỗ trợ giảm nghèo thiên về hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt hoặc hiện vật hơn là tạo cơ hội và điều kiện để người nghèo tự nâng cao năng lực vươn lên thoát nghèo bền vững…

Ngoài ra, sự phối hợp chương trình ASXH với các chương trình cung cấp dịch vụ xã hội cơ bản cũng còn nhiều bất cập. Cho đến nay, hệ thống dịch vụ xã hội trong khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa còn thiếu về số lượng, yếu về chất lượng.

Để đạt được mục tiêu đặt ra đối với đảm bảo ASXH cho người dân, trong giai đoạn tới, Chính phủ cần chú trọng nhiều hơn nữa đến các hoạt động phối hợp thực hiện.

Một số lưu ý khi triển khai ASXH

Việc quản lý kinh tế và xã hội có rất nhiều khó khăn. Điều đó ảnh hưởng lớn tới việc triển khai thực hiện chính sách ASXH.

Tăng cường đội ngũ làm công tác ASXH là giải pháp tốt để đưa thông tin chính sách đến người dân

Do vậy, đầu tiên là cần chú trọng đến việc phối hợp trong quản lý kinh tế – xã hội với quản lý ASXH. Nếu có biện pháp gắn giữa thực thi chính sách ASXH với quản lý kinh tế đối với khu vực này thì việc bao phủ của hệ thống ASXH đóng – hưởng sẽ được cải thiện rõ rệt và quyền lợi của người lao động sẽ được đảm bảo.

Thứ hai là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đảm bảo thực thi chính sách ASXH. Hiện nay, công tác này còn nhiều bất cập, kể cả kiểm tra, giám sát đối với đối tượng có trách nhiệm đóng BHXH cho người lao động, cũng như tình hình lạm dụng chính sách xã hội hóa trong BHYT và các đối tượng được trợ cấp, trợ giúp xã hội. Nhà nước cần nghiên cứu, điều chỉnh các biện pháp xử lý có tác động kiên quyết hơn. Cùng với việc mở rộng phạm vi bao phủ trợ giúp xã hội thường xuyên, cần xây dựng rõ các điều kiện, chuẩn mực của đối tượng được trợ cấp; đồng thời tăng cường công tác kiểm tra các điều kiện, chuẩn mực đối tượng thụ hưởng để tránh tình trạng trợ cấp sai đối tượng, dẫn đến sự mất đoàn kết trong dân cư.

Thứ ba là, tăng cường đội ngũ cán bộ làm công tác ASXH. Những năm tới cần tăng cường công tác tổ chức và phát triển đội ngũ cán bộ sao cho những thông tin về chính sách ASXH đến tận người dân; sao cho cán bộ làm công tác ASXH tới tận khu phố, từng xóm làng để tuyên truyền, giới thiệu tổ chức huy động người dân tham gia và cùng kiểm tra, giám sát việc thực thi chính sách.

Thứ tư là, tăng cường biện pháp tăng thu nhập cho người lao động và tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.

Đây là biện pháp cuối cùng, nhưng là biện pháp cơ bản và lâu dài nhất để thực hiện chính sách ASXH.

Bởi lẽ, muốn mở rộng phạm vi bao phủ và nâng mức tác động, đảm bảo tính bền vững của hệ thống ASXH đóng – hưởng, thì kể cả người lao động cũng như nhà nước phải có thu nhập để đóng góp và trợ giúp.

Ở đây một loạt các vấn đề cần giải quyết như thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động; tăng cường quản lý nguồn thu; điều chỉnh cơ cấu chi ngân sách Nhà nước theo hướng tăng tỷ lệ chi cho trợ giúp và hỗ trợ ASXH… là điều cần thiết.

TS. MNA
chinhphu.vn

  1. Không có bình luận
  1. No trackbacks yet.

Bình luận về bài viết này