Trang chủ > Nhân quyền > Bộ Giao thông vận tải dự thảo nâng mức phạt vi phạm giao thông đường bộ

Bộ Giao thông vận tải dự thảo nâng mức phạt vi phạm giao thông đường bộ

Tháng Tám 13, 2013

(Chinhphu.vn) – Theo Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, Bộ Giao thông vận tải đề xuất nâng cao mức phạt đối với nhiều hành vi điều khiển xe chạy quá tốc độ, điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá quy định…

Đề xuất nâng cao mức phạt nhiều hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ – Ảnh minh họa

 

Cụ thể, thay vì Nghị định 34/2010/NĐ-CP chỉ quy định xử phạt đối với người đang điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), xe đạp, xe đạp máy mà sử dụng điện thoại với mức phạt từ 40.000 – 60.000 đồng, thì trong Dự thảo mới đề xuất bổ sung quy định xử phạt người đang điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự ô tô mà sử dụng điện thoại di động thì bị phạt từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng.

Phạt nặng hành vi điều khiển xe chạy quá tốc độ

Dự thảo cũng đề xuất nâng mức phạt đối với người điều khiển xe ô tô chạy quá tốc độ quy định từ 5 km/h đến dưới 10 km/h từ mức phạt 300.000 – 500.000 đồng lên mức phạt từ 600.000 -800.000 đồng.

Trường hợp điều khiển xe ô tô chạy quá tốc độ quy định từ 10 km/h đến 20 km/h sẽ bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng (mức phạt hiện nay là từ 800.000 – 1.200.000 đồng). Đặc biệt, dự thảo đề xuất tăng mức phạt tiền từ 4.000.000 – 6.000.000 lên mức phạt 8.000.000 – 10.000.000 đồng đối với người điều khiển xe ô tô chạy quá tốc độ quy định trên 35 km/h, ngoài ra còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe 60 ngày.

Đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy chạy quá tốc độ quy định, dự thảo cũng đề xuất nâng mức phạt. Theo đó, mức phạt dự kiến từ 100.000 -200.000 đồng (trường hợp chạy quá tốc độ quy định từ 5 km/h đến dưới 10 km/h) đến 2.000.000 – 3.000.000 đồng (nếu chạy quá tốc độ quy định trên 20 km/h).

Trước đó, ngày 3/2/2012, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giao Bộ Công an phối hợp với Bộ Giao thông vận tải để sớm trình Chính phủ Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 34/2010/NĐ-CP ngày 2/4/2010 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ theo tinh thần của Nghị quyết số 88/NQ-CP ngày 24/8/2011 của Chính phủ.

Bộ Giao thông vận tải trình Nghị định trên ngay cuối quý I/2012, để xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ.

Điều khiển xe khi nồng độ cồn vượt quá quy định phạt tới 25 triệu đồng

Các hành vi điều khiển xe ô tô trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá quy định cũng bị xử phạt nặng với mức phạt dự kiến từ 2.000.000 – 25.000.000 đồng (mức phạt tối đa theo quy định hiện nay tại Nghị định 34 là 6.000.000 đồng).

Trường hợp điều khiển xe mô tô, xe gắn máy trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá quy định sẽ bị xử phạt với mức phạt dự kiến từ 500.000 – 3.000.000 đồng (mức phạt tối đa theo quy định hiện nay tại Nghị định 34 là 1.000.000 đồng).

Đội mũ bảo hiểm không đúng quy định bị phạt 100.000 – 200.000 đồng

Dự thảo đề xuất phạt tiền từ 100.000 – 200.000 đồng đối với người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy không đội mũ bảo hiểm hoặc đội mũ bảo hiểm không cài quai đúng quy cách hoặc đội mũ không phải là mũ bảo hiểm theo quy định khi tham gia giao thông trên đường bộ.

Như vậy, mức phạt đối với hành vi không đội mũ bảo hiểm vẫn được giữ nguyên, nhưng dự thảo đã bổ sung hành vi đội mũ không phải là mũ bảo hiểm theo quy định cũng sẽ bị phạt với mức phạt từ 100.000 – 200.000 đồng.

Thí điểm chế tài mạnh hơn đối với cả đô thị loại đặc biệt, đô thị loại 1

So với Nghị định 34 thì ngoài việc áp dụng thí điểm đối với một số vi phạm trong khu vực nội thành của các đô thị loại đặc biệt thì dự thảo cũng đề xuất áp dụng thí điểm đối với cả khu vực nội thành của các đô thị loại 1.

Ngoài một số hành vi đang được thí điểm áp dụng chế tài mạnh hơn, dự thảo cũng đề xuất áp dụng thí điểm chế tài mạnh hơn đối với một số trường hợp khác như: Người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy đi vào đường cấm, khu vực cấm, đi ngược chiều của đường một chiều; Người điều khiển xe hoặc người ngồi trên xe bám, kéo, đẩy xe khác, vật khác, dẫn dắt súc vật, mang vác vật cồng kềnh…

Đức Mạnh

Nguồn: baodientu.chinhphu.vn
Vkyno (st)

Chuyên mục:Nhân quyền